Vợ chồng 15 năm mỏi mệt vượt 24 km đi làm ở Sài Gòn

12/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
Vợ chồng 15 năm mỏi mệt vượt 24 km đi làm ở Sài Gòn

"Vợ chồng tôi ròng rã 15 năm đi làm từ Bình Dương đến Sài Gòn, 24 km mà mất trung bình 1h15 phút, hôm nào kẹt thì 2 tiếng. Quá mỏi mệt. Đôi lúc tôi nghĩ: có lẽ đi xe đạp hay chạy bộ còn nhanh hơn".

Độc giả Lê thị nga kể câu chuyện đi làm của mình như trên, cho rằng kết nối hạ tầng của các thành phố lớn với các tỉnh thành xung quanh còn quá kém.

Bình luận này được viết sau bài Đuối sức vì mỗi ngày vượt 50 km lên Sài Gòn làm việc, trong đó có chuyện hai vợ chồng một vị độc giả mất tầm 2h30 cho việc di chuyển để đến văn phòng làm việc mỗi ngày.

Việc hàng triệu người đều đặn bắt đầu ngày mới bằng hành trình đến nơi làm việc và kết thúc ngày bằng việc trở về nhà sau nhiều giờ lăn lộn với đường xá và giao thông phức tạp, nhất là ở hai thành phố lớn được nhiều độc giả VnExpress quan tâm thảo luận.

>> 'Thà chen chúc nhà 30 m2 trung tâm Hà Nội hơn ngoại thành rộng rãi'

"Ngày trước tôi ở Hóc Môn, đi làm ở quận 1 (TP HCM), mỗi lần tiếp khách hay bận việc, về nhà lúc tầm 21h, thấy đường xa diệu vợi. Nên bây giờ tôi cứ ở loanh quanh 10 km so với công ty.

Đi quãng đường 130 km để lên đến TP HCM, dù đi cao tốc nhưng cửa ngõ phía Nam, phía Bắc hay phía Đông đều phải hơn 3 tiếng là chắc. Cả đi cả về mất 5-6 tiếng một ngày. Chiều 5h tan sở, lò mò ra đón xe, về tới nhà tắm rửa ăn xong là chuẩn bị lên xe đi làm lại, rất hao mòn sức khỏe".

Độc giả hoangnguyenluan81 kể trước đây khi phải dành phần lớn thời gian của mình chỉ để đi làm - về nhà rất bất tiện, nên hiện nay chỉ ở cách công ty tối đa 10 km.

Độc giả Nhất Độ Hồng Trần chia sẻ rằng, dù nhà cách nơi làm việc ở TP HCM khoảng 70 km, anh vẫn thấy mình còn "gồng được" nhưng thừa nhận sức khỏe đã bị ảnh hưởng:

"Nhà tôi cách thành phố khoảng 70 km, sáng đi chiều về tốn khoảng hơn 3,5 tiếng di chuyển. Sáng 5h30 lên xe, chiều 5h rời công ty về nhà khoảng 7h, tôi thấy vẫn ổn, chỉ có điều sức khỏe không tốt vì ngồi nhiều. Bây giờ còn gồng được tới đâu thì tới, sau này không ổn thì sẽ tìm job hybrid (mô hình cho phép nhân viên kết hợp linh hoạt giữa làm việc tại văn phòng hoặc từ xa, tại nhà).

Độc giả Hoang An nói rằng việc di chuyển mỗi ngày không chỉ làm mất sức mà còn làm giảm khả năng kết nối xã hội:

"Ngày trước tôi ở ngã tư Bình Phước, đi làm ở quận 3, chưa đến 20 km, mỗi ngày đi về mất gần 3 tiếng (quốc lộ 13 kẹt xe khủng) đã thấy oải lắm rồi nên chẳng kết nối các mối quan hệ xã hội".

Là người mỗi ngày tốn thời gian di chuyển hơn một tiếng bằng xe đưa rước, độc giả HaAnh nói cảm thấy tiếc nuối vì lãng phí thời gian:

"Tôi đi làm bằng xe đưa rước của công ty, mỗi ngày ngồi hơn một tiếng trên xe cho hai lượt, cũng cảm thấy tiếc thời gian lắm, nhưng vì công ty làm trễ nên 7h30 tôi mới ra khỏi nhà, 5h30 về tới nhà nên cũng thấy tạm ổn.

Đồng nghiệp của tôi có người tốn 4-5 tiếng mỗi ngày trên xe, vì nhà họ cách công ty 50-60 km mà xe luôn di chuyển chậm do đường đông đúc. Tôi thật khâm phục những người đó, khi mà họ ăn sáng trên xe, rồi tới công ty là lao ngay vào WC, hoặc có khi xe phải dừng giữa đường ghé vào siêu thị cho họ giải quyết.

Mỗi người một quan điểm, nhưng tôi sẽ thuê nhà gần công ty để tiết kiệm thời gian di chuyển, chứ không thể tốn thời gian như đồng nghiệp của mình được".

Ở Hà Nội, với những người chọn phương án di chuyển dài hơi hơn, như độc giả Tanukichi, việc ngồi xe từ quê lên thành phố dù chỉ khoảng 50 km cũng đủ khiến người mỏi mệt:

"Đi vài chục km trong một ngày thì ngồi ôtô hay xe máy đều mệt cả. Trừ khi có tàu cao tốc chạy nhanh mà điều này không khả thi vì tàu cũng phải dừng các trạm.

Quê tôi cách Hà Nội khoảng 50 km, chạy cao tốc rồi về đến làng nhưng ngồi oải hết cả người. Thứ nhất là các đoạn vào và ra khỏi Hà Nội rất tốn thời gian, ngồi ề à mãi trên đường.

Thứ hai là kể cả không tắc, thì khoảng cách 50 km cũng mất gần một tiếng, ngồi rất oải với những người sức khỏe không tốt.

Nên tôi chọn một là xây lại nhà của bố mẹ ở trung tâm Hà Nội để ở chung, còn không thì thuê nhà ở quận nội thành, chứ ra ngoại thành tôi không muốn. Tôi chưa kể đến các vấn đề như ngập khi mưa, nước sạch, khám bệnh".

"Vấn đề lớn ở đây là tắc đường. Quê tôi cách Hà Nội cũng tầm 50 km, nhưng với tình trạng đường xá ở Hà Nội, các cửa ngõ vào thành phố và kể cả trong nội đô vào giờ đi làm (tôi nghĩ TP HCM cũng tương tự) chắc phải tầm 3-4 tiếng đồng hồ cho cả đi cả về.

>> Buồn chán vì ở ngoại thành, đi làm bằng ôtô

Hôm nào mưa gió hay có sự cố trên đường (tai nạn hoặc sửa đường...) thì chắc còn lâu hơn. Nếu bạn còn độc thân thì nên chọn phương án khác để tiết kiệm sức lực và thời gian.

Hồi trước người quen của tôi hàng ngày đi từ Hưng Yên lên nội đô đi làm, vì vợ làm giáo viên ở quê và họ đang tiết kiệm tiền làm nhà. Sau đó, nhà mới cách nơi làm việc tầm 10 phút thôi, ảnh bảo như một 'chân trời mới', độc giả Linh Dang nói.

Với thực trạng giao thông hiện tại, độc giả Voice of me cho rằng, việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp cần thiết để giảm bớt thời gian di chuyển cho người dân:

Người dân ở và làm việc tại các thành phố lớn của chúng ta phải tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc di chuyển. Nếu các cơ quan chức năng kiên quyết hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh thì việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi và đỡ tốn kém hơn rất nhiều.

Ví dụ trong bài viết, một người đi xe cá nhân mất 2h30 cho quãng đường 50 km, hay một bạn mất 70 phút cho quãng đường 30 km với xe buýt. Nhưng nếu như có tàu điện cao tốc, thời gian di chuyển của họ chắc chỉ còn 1/3. Đấy chính là nguồn lực rất lớn của xã hội bị lãng phí hàng ngày bởi kẹt xe".

Độc giả Trần Phong Phú:

"Tôi là người Sài Gòn, sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi thấy khó giải thích khi nhiều người cứ nghĩ rằng cơ hội của họ là ở Sài Gòn hay Hà Nội... Họ tìm mọi cách để đến các đô thị, chấp nhận cuộc sống bon chen, khó khăn, và khả năng thành công vươn lên không quá nhiều.

Trong khi đó, ở chính quê hương họ, những người học vấn không nhiều, miệt mài làm việc, khởi nghiệp... trở nên giàu có, được sống trên chính quê hương mình. Còn những người ra đi, hầu hết ở nhà thuê, phòng trọ, số ít sau nhiều năm nếu may mắn mua được căn nhà nhỏ hay căn hộ con con, còn đại đa số muốn quay về quê sinh sống cũng không còn cơ hội vì bất động sản tăng cao, khiến cho giấc mơ được sống trong nhà của mình trở thành hoang tưởng.

Tôi nghĩ mọi người nên nỗ lực hết khả năng của mình ở quê hương, nếu không được hãy nghĩ đến chuyện đến các nơi khác".

*Quãng đường từ nhà đến công ty bạn là bao nhiêu km và có gặp trở ngại giao thông hay bất tiện nào khác? tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật