Tư thế ảnh hưởng đến cột sống thế nào

13/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Tư thế ảnh hưởng đến cột sống thế nào

Tư thế là hình dáng cơ thể khi bạn đi, đứng, ngồi, nằm... Tư thế trung tính, khi đầu, cổ, vai, cột sống và hông thẳng hàng, thường có lợi nhất cho sức khỏe tổng thể và hệ xương khớp.

Tư thế của một người có thể phụ thuộc vào thói quen cá nhân và các hoạt động hằng ngày cũng như tình trạng sức khỏe nhất định. Các hoạt động thường xuyên như ngồi làm việc tại bàn nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến tư thế theo thời gian và dẫn đến các triệu chứng như đau lưng hoặc đau cổ. Mọi người có thể cải thiện các triệu chứng này bằng cách điều chỉnh tư thế của mình.

4 tư thế phổ biến. Đồ họa: Medical News Today

Tư thế trung tính

Dù không hoàn toàn đúng cho mọi người trong mọi tình huống, nhưng tư thế trung tính thường là tư thế an toàn nhất để ngăn ngừa chấn thương và căng cơ trong các hoạt động hằng ngày. Giữ cột sống ở tư thế này giúp giảm áp lực lên xương khớp, dây chằng và cơ khi ngồi, cúi hoặc nâng vật.

Để điều chỉnh tư thế trung tính, hãy đứng trước gương theo góc nghiêng sao cho nhìn thấy một bên cơ thể. Đứng thẳng người, đặt hai bàn chân rộng bằng vai, với phần lớn trọng lượng dồn lên phần mu bàn chân. Di chuyển đầu cho hai tai thẳng hàng với đỉnh vai, chỉnh hông thẳng hàng với vai.

Khi ngồi trên ghế thông thường, cột sống vẫn ở tư thế trung tính, với bàn chân đặt phẳng trên sàn và hai chân cách nhau một khoảng bằng hông.

Tư thế gù lưng

Đây là vấn đề tư thế phổ biến nhất, chia cơ thể thành hai nửa trái và phải. Gù lưng tức đầu hướng về phía trước, không thẳng hàng với cổ. Khi đứng, đầu vươn quá xa về phía trước, tai ở phía trước vai, có thể tạo ra đường tròn ở phần lưng trên. Khi ngồi trông như thể đang khom lưng.

Các nguyên nhân có thể gây ra tư thế gù lưng bao gồm ngồi hoặc đứng khom lưng trong thời gian dài, thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại. Tình trạng yếu cơ ở cổ, lưng trên hoặc vai, căng cơ ở cổ hoặc ngực cũng có thể kéo đầu về phía trước. Chấn thương hoặc sang chấn ở cổ hoặc cột sống, căng thẳng hoặc lo lắng có thể tạo ra căng cơ.

Trọng lượng khi đầu dồn về trước làm tăng áp lực lên các mô của cột sống cổ và có thể gây ra các triệu chứng như đau cổ, đau lưng trên, đau vai, đau đầu, thoái hóa đĩa đệm cổ.

Tư thế võng lưng

Ở tư thế này, xương chậu nghiêng về phía trước, ở trước đường phân chia giữ cơ thể, trong khi phần lưng trên thường đổ về phía sau. Đầu cũng có thể nhô về phía trước.

Khi ngồi, phần lưng dưới có thể cong ra khỏi lưng ghế, tạo ra một khoảng cách đáng kể, với xương chậu nghiêng về phía trước. Phần lưng trên và vai có thể nghiêng về phía sau về phía sau ghế.

Võng lưng có thể do nhiều nguyên nhân như ngồi quá nhiều, thường xuyên khom lưng hoặc cong lưng dưới, thiếu hoạt động thể chất thường xuyên, mang thai, vẹo cột sống, tăng động ở các khớp, trượt đốt sống, chấn thương, viêm đĩa đệm.

Tư thế này có thể gây lệch trục của cột sống, dẫn tới các triệu chứng hoặc tình trạng như đau cổ, đau lưng dưới, khó vận động, chấn thương cơ xương.

Tư thế lưng phẳng

Lưng phẳng là khi phần lưng dưới có độ cong tự nhiên không rõ rệt và do đó trông phẳng. Một người có tư thế lưng phẳng cũng có thể có độ cong ra ngoài ở phần lưng trên rõ hơn. Xương chậu có thể ở vị trí trung tính hoặc hơi nghiêng về phía trước.

Hội chứng lưng phẳng phát triển theo thời gian vì nhiều lý do như trải qua thủ thuật liên quan cột sống, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa đĩa đệm, gãy xương nén đốt sống do loãng xương, bẩm sinh... Sự sai lệch của tư thế lưng phẳng có thể gây ra đau lưng, khó đứng thẳng, mệt mỏi, mất khả năng vận động.

Cách thay đổi tư thế

Nếu tư thế mất cân bằng do các yếu tố như thói quen, công việc, mọi người có thể thay đổi tư thế bằng cách:

Điều chỉnh môi trường: Nếu phải ngồi làm việc hay sử dụng thiết bị điện tử nhiều, hãy điều chỉnh chiều cao của bàn, ghế hoặc thiết bị để thiết lập tư thế trung tính.

Giãn cơ: Kéo giãn giúp giảm căng cơ và tăng tính linh hoạt của xương khớp, từ đó dễ dàng thay đổi cách thường ngồi hoặc đứng.

Tập thể dục hoặc vật lý trị liệu có thể tăng cường các cơ đưa đầu, cổ, cột sống và hông vào vị trí trung tính, chẳng hạn như cơ lưng.

Luyện tập tư thế: Nếu quen ngồi hoặc đứng theo cách có hại cho sức khỏe, hãy luyện tập thường xuyên để thay đổi thói quen này.

Thay đổi tư thế: Tư thế trung tính có lợi nhưng không có nghĩa là mọi người chỉ nên đứng hoặc ngồi yên không di chuyển. Các chuyên gia khuyên bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi và đứng dậy để nghỉ giải lao.

Nếu các cách trên không có tác dụng hoặc gây đau, người bệnh nên đi khám và trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn.

Anh Ngọc (Theo Medical News Today)

Tin liên quan
Tin Nổi bật