Người lớn mắc sởi có nguy cơ trở nặng không?

13/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe
Người lớn mắc sởi có nguy cơ trở nặng không?

Trả lời:

Cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh sởi. Bệnh có thể diễn tiến thành nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm tai giữa...

Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với dị ứng, viêm đường hô hấp. Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp dinh dưỡng. Năm nay, bệnh sởi có xu hướng dịch chuyển sang nhóm trẻ lớn, người lớn hơn.

Nhiều người mắc sởi vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi do quan niệm bệnh sởi chỉ mắc cho trẻ em. Việc này khiến mầm bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.

Người lớn cũng có nguy cơ trở nặng, biến chứng do bệnh sởi. Ảnh: Vecteezy

Nhóm người lớn nguy cơ cao mắc sởi gồm:

- Phụ nữ mang thai: Thai phụ với hệ miễn dịch suy giảm, nội tiết tố thay đổi nên tăng nguy cơ mắc sởi. Nếu nhiễm bệnh trong ba tháng đầu, em bé có nguy cơ dị tật, chào đời nhẹ cân. Nhiễm vào ba tháng giữa, khả năng thai lưu, sảy thai tăng cao. Trong ba tháng cuối, mẹ có nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu.

- Người có bệnh nền: Người mắc bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... thường có sức khỏe yếu, nếu mắc sởi sẽ dễ biến chứng nặng, tử vong.

- Người có miễn dịch yếu: Người đang hóa trị - xạ trị ung thư, sử dụng thuốc corticoid... khiến chức năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, khả năng đào thải virus. Từ đây, bệnh nền diễn biến kéo dài, biến chứng khó điều trị.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa, gồm ba loại: mũi sởi đơn, loại phòng sởi - rubella và sởi - quai bị - rubella. Hiệu quả của vaccine sởi lên đến 98% khi tiêm đủ ít nhất hai mũi.

Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa, cần tiêm hai mũi vaccine. Để ngừa bệnh trong thai kỳ, nữ giới cần chủ động tiêm ngừa trước khi mang thai tốt nhất ba tháng.

Ngoài ra, để phòng bệnh, người lớn cần áp dụng ngay như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc bệnh viện, rửa tay bằng xà phòng, giữ nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên khử trùng các bề mặt chung như tay nắm cửa, bàn ăn...

Bác sĩ Phạm Hồng ThuyếtQuản lý Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.

Tin liên quan
Tin Nổi bật