Phóng viên quân sự Nga Andrey Medvedev ngày 12/9 đăng video quân nhân nước này gắn hộp đựng chất nhiệt nhôm lên thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV), sau đó phóng nó về hướng phòng tuyến Ukraine. Phi cơ bay phía trên rặng cây được cho là địa điểm ẩn nấp của binh sĩ đối phương và rải chất nhiệt nhôm đang cháy xuống dưới.
Đây là lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh lính Nga sử dụng drone mang chất nhiệt nhôm, được đặt biệt danh là "drone rồng lửa", tấn công đối phương. Phi cơ Nga chỉ tạo ra các chùm tia lửa thay vì luồng lửa lớn như khí tài Ukraine, dường như do hai bên sử dụng các loại phi cơ với kích thước và tải trọng khác nhau.
"Video không cho thấy rõ kết quả cuộc tấn công, nhưng khu vực này đã bị thiêu rụi hoàn toàn sau đó", ông Medvedev cho hay. Thông tin trong video cho thấy nó được quay vào ngày 9/9, song không rõ địa điểm.
Nga triển khai drone 'rồng lửa' tập kích phòng tuyến UkraineDrone Nga thả chất nhiệt nhôm nóng chảy xuống rặng cây hôm 9/9. Video: Telegram/Andrey Medvedev
Một số kênh Telegram ủng hộ Ukraine đã lên tiếng cảnh báo về vũ khí mới của Nga. "Người Nga đã sao chép drone rồng lửa của Ukraine và đang đốt cháy vị trí của chúng ta. Cần phải nhớ rằng đối phương luôn học hỏi rất nhanh", một tài khoản cho hay.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về video.
Nhiệt nhôm là hỗn hợp bột nhôm và oxit sắt, có thể đạt nhiệt độ khoảng 2.450 độ C khi cháy, đủ làm tan chảy một số phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Nó thường được sử dụng trong lựu đạn và đạn cháy của pháo binh.
Quân đội Ukraine hồi tuần trước bắt đầu đăng video sử dụng "drone rồng lửa" tập kích các khoảng rừng do lực lượng Nga kiểm soát. Phương thức này có thể gây thương vong cho binh sĩ phòng thủ, phá hủy nhiều khí tài và xóa sổ những vị trí ẩn nấp của đối phương.
Howard Altman, cây bút của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, nhận định "drone rồng lửa" có thể gây sát thương trên diện rộng theo cách mà không loại drone nào khác có thể làm được, đồng thời đạt độ chính xác cao và không gây nguy hiểm cho người vận hành.
"Nó có thể gây thiệt hại lớn chỉ sau một lượt thả chất nhiệt nhôm, so với sát thương hạn chế thường thấy từ drone mang đầu nổ cỡ nhỏ. Tác động về tâm lý mà loại drone này gây ra cũng rất lớn", chuyên gia Mỹ cho hay.
Nga đã nhiều lần sử dụng đạn cháy kể từ đầu xung đột tại Ukraine, trong đó có đạn 9M22S khai hỏa từ pháo phản lực BM-21. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) giữa năm 2023 cho biết Ukraine cũng thực hiện ít nhất 82 cuộc tấn công bằng vũ khí gây cháy từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2023.
Phạm Giang (Theo War Zone, Kyiv Indepedent, Kyiv Post)